Hotline đặt Bánh sinh nhật

Hà Nội: 03.666.22.666

Công thức và cách làm bánh bò thốt nốt theo chị Khai Tâm

Cập nhật: 12/02/2024 - 18:06 ( Lượt xem: 55 )

Về yêu cầu bánh bò thành phẩm: bánh có “rễ tre” – rễ tre ở đây là cấu trúc như các thân cây tre thẳng tắp như trong Thập Diện Mai Phục chứ không phải rễ của cây tre. Bánh còn phải thơm, mềm, vừa vặn không ngọt không nhạt.

Hunnie Cake (Lambanhngon.com) - Dạy làm bánh - Đặt bánh cưới, sinh nhật

 LƯU Ý cần đọc kĩ khi chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ chu đáo, để chúng mình có mẻ bánh bò rễ tre chớ không phải bánh-đúc-ngọt nha bà con 


Về nguyên liệu
 
– 1 gói bột năng 400g, nhãn hiệu nào cũng được
 
– một ít bột gạo, nhãn hiệu nào cũng được
 
– 1 lon nước cốt dừa 400g, nhãn hiệu nào nghe nói ngon là được, hoặc cốt dừa tươi vắt thủ công
 
– Đường thốt nốt: có nhiều dạng đường hạt, đường sệt, đường viên. Loại nào dùng cũng được, nhưng lựa chọn theo thứ tự sệt-viên-hạt (về độ thơm ngon)
 
– Trứng gà: có trứng gà quê dùng trứng gà quê, có trứng thành phố dùng trứng thành phố. Gà quê 5, gà thành phố 4 (size L 65g/quả)
 
– Một ít vani. Một lần nữa, có vani nào dùng vani nấy
 
– Bột nổi (baking powder) và muối nở (baking soda) – riêng hai loại này cần nguyên liệu mới, còn hoạt động tốt (không cần phải dùng bột nở double acting Alsa Eosa gì cả, bột nở thường dùng tốt)
 
– Dầu ăn, dầu dừa, bơ chọn một trong số. Loại nào cũng được, có thơm hơn thì cũng chỉ hơn chút xíu không đáng kể. Nếu dùng hẳn Echire để quét khuôn thì cũng vậy thôi
 
Về dụng cụ
 
– Cân điện tử
 
– Lò nướng, khay vừa lò
 
– Chổi quét khuôn
 
– Khuôn – nếu dùng khuôn oval loại thường thấy khi làm brioche thì cần 3, còn lại khuôn vuông tròn gì cũng được
 
– Một mớ tô trộn, rây, thìa gỗ thìa trộn có gì lấy hết ra
 
– Một cái xoong nhỏ
Làm gì cũng phải có sự chuẩn bị, mọi thứ cần trong tầm tay.
Nguyên liệu:
 
330g đường thốt nốt, loại sệt ngon hơn viên
 
400g nước cốt dừa
 
5 trứng gà ta hoặc 4 trứng gà công nghiệp size 65 + 20g sữa tươi
 
205g bột năng
 
15g bột gạo
 
12g baking powder
 
7g baking soda
 
Vani
Đường thốt nốt có mấy dạng, kết tinh thành hạt, đóng thành viên hoặc ở dạng syrup đặc. Trong demo này mình dùng thốt nốt syrup còn gọi là “đường thốt nốt sệt” vì theo cảm quan của mình, nó ngon nhất.
Nếu dùng dạng hạt và viên thì thêm 30-40ml nước vào đường.
Còn nếu dùng đường thốt nốt syrup không cần thêm nước vì nó dễ tan.
 
Cân đường thốt nốt.
Dẻo và đặc nên lấy được 334g thì cũng coi như 330 đi. Cân xong thì đặt lên bếp, lửa vừa để sôi từ từ tránh cháy một góc. Mục đích của việc chưng đường là để bánh thơm dậy mùi hơn, và có màu nâu đậm cũng đẹp hơn nữa. Ngon, nhưng vẫn phải đẹp đúng không đúng không?
Trong lúc nấu đường thì chuẩn bị sẵn các nhóm nguyên liệu:
– Bột năng với bột gạo
– Bột nổi (bột nở, baking powder) và muối nở (baking soda)
– Trứng, sữa và vanilla
Trong lúc nấu đường thì chuẩn bị sẵn các nhóm nguyên liệu:
– Bột năng với bột gạo
– Bột nổi (bột nở, baking powder) và muối nở (baking soda)
– Trứng, sữa và vanilla
 
Nồi syrup của chúng ta sau vài phút
 
Quay ra đã thấy đường đang ngả màu.
Đoạn này vội quay ra đánh trứng nên bỏ lơ. Nồi đường cũng cần được quan tâm, dùng thìa gỗ thi thoảng đảo nhẹ thì đường sẽ không sôi lên cao thế kia đâu 
 
Tắt bếp. Đổ nước cốt dừa vào
 
Hỗn hợp đường thốt nốt và nước cốt dừa sẽ như thế này. Cần để cho nguội bớt, đến khi nào sờ thành nồi thấy hơi ấm tay là được.
Rùa để nồi lên thau nước lạnh, làm nguội cách thuỷ cho nhanh.
Tới đây có thể làm nóng lò và khuôn rồi. Nếu lò có 2 rãnh thì đặt rãnh dưới, nếu lò 4 rãnh thì đặt ở rãnh thứ hai từ dưới lên, tính làm sao để khuôn nằm ngay giữa lò, khoảng cách mặt khuôn với trần tương đương với đáy khuôn với sàn. Đang nói đến không gian trong lò nhé, không phải không gian trong phòng.
 
 
1 công thức này đổ được 3 khuôn oval, là loại thường thấy khi làm brioche (mà nhiều người gọi là “bánh mì hoa cúc” đấy)
Đặt khuôn lên khay – cái này có chủ ý, không phải vẽ chuyện ra đâu. Khi khuôn đã được làm nóng thì lấy cả khay ra thay vì nhấc từng chiếc. Khi đưa khuôn trở lại lò cũng vậy.
 
Nhiệt độ 200 độ C, 15 phút.
 
Trong khi lò được làm nóng thì tiếp tục trộn nguyên liệu.
 
 
Đổ trứng vào nồi đường cốt dừa. Khuấy đều. Không đều lắm cũng được 
 
Sau đó cho bột vào hỗn hợp trên. Yên tâm đi, kiểu gì chúng ta cũng có bánh ăn dù quá trình nhìn vũng bùn nhão này không được đẹp mắt, nhưng rất thơm. Thơm là ghi điểm rồi đúng không?
 
Sau vài phút trộn trong vô vọng, mình có thể lấy rây hoặc cái rổ inox ra trợ giúp.
 
 
Đấy, tan hết rồi. Chậc, thì “gần hết”.
 
Đổ qua đổ lại 2 lần nữa.
 
Phần “trộn” này có thể dùng máy xay, đây là cách Rùa vẫn thường làm, sẽ nhanh hơn nhiều.
Lò đã nóng, khuôn đã nóng. Kiểm tra lại lò đã đạt nhiệt độ yêu cầu chưa bằng nhiệt kế lò để sẵn bên trong thì càng tốt.
 
 
Rót một ít dầu ăn/bơ chảy/dầu dừa vào lòng khuôn. Dùng chổi quét đáy khuôn và thành khuôn. Nếu khuôn chống dính quá tốt thì có thể bỏ qua đoạn này.
 
Quét xong lại bỏ vào lò.
 
Cho hỗn hợp bột nổi và muối nở, trộn đều. Trộn khó đều, chúng ta lại rây như khi trộn bột là được.
 
 
Dùng rây cho đều nhé. Rây đi, đừng sợ.
Lấy khay chứa khuôn đã được làm nóng lần 2 ra khỏi lò.
 
 
Chia hỗn hợp thành 3 phần. Lưu ý dùng khuôn nào cũng được, tuy nhiên không đổ bột quá 1/3 khuôn.
 
Công thức này tỷ lệ như trên không ra bánh cao thành, lỡ hơi cao chút là dễ trào. Khi hỗn hợp bị trào thì bánh sẽ không nở tốt được đâu.
 
Các em có vẻ được chia đều rồi, giờ vào lò thôi.
 
Bánh đang trong lò rồi.
 
200 độ C trong 10 phút đầu.
 
Chú ý nhiệt lò.
Sau 10 phút đầu ở nhiệt độ 200, chúng ta giảm dần xuống 160 nướng tiếp 35 phút tiếp theo.
 
Để tránh sốc nhiệt đột ngột, với một số lò mình cần hạ từ từ. 200 xuống 180 vài phút sau mới xuống 170 rồi 160 nhé.
 
Bánh chín. Trẻ con hỏi “con thấy mùi ngọt, trưa nay nhà mình ăn gì ngọt thế nhỉ?” Thật sự, 11h30 rồi chưa nấu nướng gì, cứ lo làm đề mô 
 
 
Úp ngược khay bánh, kê một đầu lên thành khay.
 
Còn một chiếc sẽ được lấy ra cắt ngay khi còn nóng.
 
Trời mưa bão vần vũ từ đêm đến sáng. Bánh chín tự dưng nắng tưng bừng 
 
Đây là bánh khi vừa tắt lò được vài phút.
 
Muốn rễ có rễ, muốn mềm có mềm, muốn thơm có thơm.
 
Sau khi bánh nguội bớt có thể cắt lát được rồi.
 
Ngoài phần “rễ tre” thì lớp trên bông xốp nhẹ như bánh bông lan. Kỳ diệu chưa?
Không có gì tâm linh cả mà toàn khoa học thôi.
Mình không bao giờ nhận công thức mình viết ra là “bất bại”, nhưng chỉ cần bạn nắm rõ một số điều sau thì áp dụng công thức của ai cũng làm được:
 
1. Lò chuẩn nhiệt độ, nếu không chuẩn thì bạn phải biết sự chênh lệnh so với thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Ở 10’ đầu nhiệt độ cần đủ cao để có thể tạo “rễ tre”, sau đó giảm dần và nướng vài chục phút để làm chín và định hình bánh. Cố gắng không mở lò trong quá trình nướng, tránh làm nhiệt độ giảm đột ngột.
 
2. Bột nổi muối nổi phải mới.
 
3. Lò và khuôn sẵn sàng rồi mới trộn bột nổi muối nổi vào. Trong vòng vài phút cần đổ hỗn hợp vào khuôn và nướng NGAY.
 
4. Không có yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, loại nào cũng được. Không có quy định cần khuấy trứng bằng đũa, một chiều hai chiều cũng được, ba bốn năm chiều cũng ok, đánh loạn lên cũng không sao. Bánh bò thành bánh đúc không phải do nguyên nhân này. Nó nằm ở mục 1-2 và 3.
 
Bánh bò theo công thức trên có thể để ngoài nhiệt độ phòng 3-4 ngày vẫn mềm ngon, tất nhiên không thể đòi hỏi như vừa mới nướng, nhưng vẫn rất rất ngon. Hình đầu của bài này là miếng bánh bò được 4 ngày tuổi, còn dẻo mềm.
 
Những bước làm này còn dài dòng phức tạp, vì muốn mọi người hiểu rõ cách làm, quy trình làm, tại sao lại phải đi từng bước như vậy. HIỂU RÕ thì mới TỰ TIN, KHÔNG SỢ. Thực tế mình làm nhanh gọn hơn nhiều.
 
Chúc các bạn thành công.
 
Theo Chị Khai Tâm
Mẫu bánh sinh nhật mới